Theo bà Trịnh Thị Hòa (Quỹ Bảo vệ Môi trường): “Nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ vượt xa khả năng tự cung cấp. Đất nước sẽ chuyển sang nhập khẩu thay vì xuất khẩu năng lượng trước năm 2015”. Còn ông Darren ODea (Hội đồng Công trình xanh Việt Nam) cũng nhận định: Các công trình đang chiếm 30 - 40% năng lượng sử dụng, 19% lượng nước sạch tiêu thụ, 29% lượng gỗ khai thác… Do vậy, sẽ không có đáng ngạc nhiên khi thời gian gần đây, trên các diễn đàn, người ta đề cập nhiều đến vấn đề tiết kiệm năng lượng đô thị. Kinh nghiệm quý từ giải pháp kiến trúc truyền thống
Nhìn nhận kiến trúc truyền thống là kiến trúc xanh, TS Lê Thị Bích Thuận - Phó viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn - VIAP cho rằng: Các giải pháp tiết kiệm năng lượng theo kinh nghiệm truyền thống là kho kinh nghiệm quý báu về kiến trúc nhiệt đới, về kiến trúc bền vững. Chẳng hạn, khi xây dựng ngôi nhà để ở, người Việt thường chọn hướng sao cho nhà đón được gió mát mùa hè, tránh được gió rét mùa đông. Nhà ở thường quay hướng nam hay đông nam, tránh nắng tây bất lợi và chịu được bão gió…
Về bố cục, nhà truyền thống là một quần thể, gồm những công trình nhỏ, giản dị, bố trí phân tán, vây quanh ngôi nhà chính, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Không gian đệm là sân rộng, gắn liền trước với ngôi nhà chính. Đặc biệt, mảnh vườn, cái ao trong khuôn viên gia đình nông thôn đã trở thành một yếu tố quan trọng không thể thiếu, đóng vai trò của hệ cân bằng sinh thái vườn - ao - chuồng. Trong đó, ao không chỉ là yếu tố cơ bản tạo nên môi trường sống của người dân, đặc trưng cho hệ sinh thái nhà ở thôn xóm mà còn giúp cải tạo địa hình khu đất, giúp cho việc tiêu nước nhanh chóng, chống lầy lội, ngập úng và là nguồn dự trữ nước để tưới cây, phương tiện hữu hiệu góp phần cải tạo vi khí hậu, cải thiện điều kiện kinh tế gia đình…
Ngoài ra, theo bà Thuận, kiến trúc nhà truyền thống rất chú trọng đến yếu tố khí hậu.
Tiết kiệm năng lượng từ thiết kế
Từ các nghiên cứu về kiến trúc truyền thống, bà Lê Thị Bích Thuận cũng đề xuất một số định hướng không gian kiến trúc cho đô thị hiện đại. Theo đó, quy hoạch KĐTM cần chú trọng các giải pháp năng lượng khép kín (như mô hình VAC trong kiến trúc truyền thống) trên cơ sở ứng dụng các phát minh khoa học. Đơn cử, nguồn nước dùng cho sinh hoạt của dân cư sẽ là nguồn nước mưa được qua xử lý thành nước sạch. Nước thải trong KĐT sẽ xử lý trở thành nước tưới cây. Rác thải của KĐT được tận dụng để sản xuất điện, phân bón và tái chế. VLXD được sản xuất theo công nghệ mới, chống nắng, chống cháy, chống động đất, tận dụng vật liệu địa phương, thân thiện với môi trường. Các phương tiện giao thông tận dụng năng lượng mặt trời. Nơi làm việc cần được quy hoạch gần với nơi ở để người dân có thể tự đi bộ, hoặc đi xe đạp đến chỗ làm. Lối ra vào khu đất phải đảm bảo lợi dụng được mạng lưới giao thông công cộng. Từ lối ra vào của KĐT đến điểm giao thông công cộng không nên quá 500m. Trong thiết kế đô thị, cần giữ gìn, phát triển nâng cao giá trị các yếu tố đặc trưng của môi trường sinh thái tự nhiên, cần có nhiều khoảng “thở” ngay cả trong những khu vực có mật độ dân cư cao. Trong lõi KĐT hay đan xen từng tiểu khu ở cần có những khoảng không gian cây xanh cảnh quan…
Tương tự, PGS.TS Phạm Đức Nguyên (Trường ĐH Xây dựng Hà Nội) cũng có những phân tích về hiệu quả tiết kiệm năng lượng trong thiết kế công trình thích ứng với với điều kiện khí hậu Việt Nam và đề xuất: Muốn công trình giảm bớt phần năng lượng tiêu thụ (khoảng 30 - 40% so với giải pháp làm mát bằng hệ thống điều hòa không khí), cần lợi dụng nhiều nhất không khí tự nhiên kết hợp sử dụng quạt điện (ngày nay, quạt điện phải được coi là thành phần tự nhiên vì nó tiêu tốn ít điện năng). Khi thiết kế công trình, cần tổ chức không gian để đón không khí ngoài nhà từ 50 - 90% thời gian một năm, tùy theo từng vùng, kết hợp với gió tự nhiên hoặc quạt máy. Khi đó công trình sẽ có hiệu quả năng lượng, giảm bớt đáng kể việc làm mát bằng thiết bị tốn nhiều năng lượng.